Được tôn thờ Ỷ_Lan

Cảm ơn đức cao dày của Hoàng thái hậu Ỷ Lan, nhân dân đã tôn vinh bà như là "Quan Âm Bồ tát" tái hiện, hoặc đồng hóa với "cô Tấm" trong truyện cổ tích, hoặc với "Phật mẫu Man Nương".[13]

Bà được tôn thờ ở một số nơi, nhưng đáng kể hơn cả là "Cụm di tích Đền Ghênh và Chùa Bà Tấm".[cần dẫn nguồn] Đình Yên Thái ở ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm cũng thờ bà.

Nơi thờ Ỷ Lan được lập tại 3 nơi chủ chốt:

  • Đền Đức Lý Thái Hậu: nằm trong Khu di tích Đình - Đền - Chùa Phú Thị đã được xếp hạng cấp quốc gia, thuộc thôn Phú Thụy (tên cổ là Thổ Lỗi, tên nôm Thổ Lỗi là làng Sủi), xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây được coi là quê hương gốc của bà, có cả các chứng tích về văn hóa, ngôn ngữ, vật chất. (Về lễ thức Bông Sòng; về ngôn ngữ: dân làng Sủi có tục kiêng gọi tấm, cám, mà gọi thay bằng "đớn, bổi"; có chiếc giếng tương truyền ngày xưa bà Ỷ Lan tắm ở đó và Nguyễn Bông có nhìn trộm, hiện vẫn còn trong khuôn viên trước cửa Đền).
  • Đền Ghênh: thường gọi là Đền Ỷ Lan, thuộc thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên; cũng có người cho rằng đây quê gốc nơi bà được sinh ra đã bị tàn phá do chiến tranh nay đã được khôi phục lại một phần.
  • Chùa Bà Tấm: nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội; di tích lịch sử đã được xếp hạng, khuôn viên chùa còn nhiều di tích về kiến trúc độc đáo của thời Lý, được cho là xây dựng để thờ bà tại quê nhà sau khi bà mất từ thời vua Lý Nhân Tông, đây được cho là quê của bà chứ không phải tại Hưng Yên. Tuy nhiên, về mặt sử liệu, chứng cứ, căn cứ nơi này rất yếu, không chính xác, mà gần đây, chính quyền và một số nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn.